
Bảo hiểm an ninh mạng đang trở thành một lựa chọn phổ biến để chuyển giao rủi ro, đặc biệt với các doanh nghiệp đang hoạt động trong môi trường số. Tuy nhiên, theo các khảo sát gần đây, chưa đến một nửa doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiện sở hữu loại hình bảo hiểm này – một con số đáng lo ngại trước thực trạng các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi và khó lường.
Tâm lý “ doanh nghiệp nhỏ không phải là mục tiêu”
Một trong những rào cản lớn khiến SME chậm chân trong việc triển khai bảo hiểm an ninh mạng là tâm lý chủ quan. Nhiều doanh nghiệp nhỏ tin rằng quy mô khiêm tốn khiến họ không phải mục tiêu hấp dẫn với tin tặc – cho đến khi bị tấn công. Không ít trường hợp đã phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng sau các sự cố tưởng chừng “nhỏ”.
Nhiều SME lầm tưởng rằng chỉ các doanh nghiệp lớn mới là mục tiêu của hacker. Nhưng thực tế 4̉3% các cuộc tấn công mạng nhắm vào các doanh nghiệp nhỏ, bởi họ thường có hệ thống bảo mật yếu và ít đầu tư vào an ninh mạng. Theo một nghiên cứu gần đây, 60% SME phải đóng cửa trong vòng 6 tháng sau khi bị tấn công mạng. Việc mất dữ liệu tài chính, hợp đồng, thông tin nhân sự có thể khiến doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng.
So với các tập đoàn lớn, SME thường thiếu đội ngũ an ninh mạng chuyên trách, nguồn lực đầu tư hạn chế, và đôi khi không đủ kiến thức để nhận biết các mối đe dọa đang rình rập. Với chi phí tấn công thấp nhưng khả năng thành công cao, việc nhắm vào SME trở thành lựa chọn hiệu quả với các nhóm tội phạm.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, SME là mắt xích trung gian quan trọng để tội phạm tiếp cận hệ thống của các doanh nghiệp lớn hơn. Trong chuỗi cung ứng, các công ty lớn thường xuyên hợp tác với nhà cung cấp quy mô nhỏ – từ nhà thầu phụ, đối tác dịch vụ IT, đến đơn vị vận hành dữ liệu. Chính điều này khiến các SME vô tình trở thành bàn đạp cho những cuộc tấn công quy mô lớn hơn.
Điều này khiến họ vô tình trở thành “cửa ngách” để tin tặc khai thác, xâm nhập sâu hơn vào hệ thống mục tiêu lớn hơn. Tấn công vào một công ty lớn qua đối tác nhỏ là chiến thuật đã được nhiều nhóm hacker sử dụng thành công trong thực tế.
Theo một khảo sát gần đây của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ (SBA), có đến 88% chủ SME thừa nhận rằng doanh nghiệp của họ đang đối mặt với rủi ro an ninh mạng. Dù vậy, phần lớn không đủ ngân sách cho các giải pháp bảo mật chuyên nghiệp, không có thời gian, hoặc không biết bắt đầu từ đâu để bảo vệ hệ thống của mình.
Bảo hiểm an ninh mạng – Từ thờ ơ đến nhu cầu cấp thiết
Năm 2024, thị trường bảo hiểm an ninh mạng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh do nhu cầu bảo vệ ngày càng cao. Mức phí bảo hiểm tăng cao do sự gia tăng của các vụ tấn công ransomware và các mối đe dọa mạng khác. Theo số liệu của Allianz, phần lớn ngân sách bảo mật CNTT hiện được chi cho việc phòng thủ, với khoảng 35% dành cho việc phát hiện và ứng phó.
2024 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về chi phí liên quan đến tấn công mạng, và sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm an ninh mạng. Các tổ chức cần phải đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp bảo mật và bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục.
Đáng chú ý, theo dự báo mới nhất từ trung tâm nghiên cứu tội phạm máy tính Mỹ (CCRC), thiệt hại do tội phạm mạng sẽ đạt 12.000 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời hoạt động tống tiền và tấn công mạng sẽ tiếp tục tăng khoảng 30 – 50% hàng năm. Các doanh nghiệp dần nhận thức rõ hơn về rủi ro mạng và hậu quả mà các cuộc tấn công mạng gây nên. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm an ninh mạng, đặc biệt đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề như tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử và công nghệ thông tin.
Trước đây, bảo hiểm an ninh mạng chưa được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam quan tâm, bởi rủi ro trên không gian mạng vẫn chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ. Tuy nhiên, sau những vụ tấn công nghiêm trọng như đánh cắp dữ liệu, lừa đảo trực tuyến hay tấn công ransomware (mã độc tống tiền), ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra sự cần thiết của loại hình bảo hiểm an ninh mạng này.
Theo Ông Trần Thanh Long – CEO của VSEC (Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam), việc mua bảo hiểm an ninh mạng đã được VSEC thực hiện từ năm 2023 khi là đơn vị MSSP đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận CREST.
Nguy cơ bị tấn công mạng sẽ không ngừng gia tăng, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin, chúng tôi cũng thực hiện việc mua bảo hiểm an ninh mạng cho toàn bộ dịch vụ của chính VSEC. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng của VSEC có thể được bồi thường lên đến 1 triệu USD trong trường hợp bị tấn công. – Ông Trần Thanh Long – Tổng giám đốc VSEC cho biết.
Trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ không gian số, không chỉ các tập đoàn lớn mà cả ngân hàng và công ty fintech cũng đang chủ động tích hợp bảo hiểm an ninh mạng vào chiến lược quản trị rủi ro. Giải pháp này đang dần trở thành lựa chọn tất yếu giúp cá nhân và doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro tài chính khi đối mặt với các sự cố an ninh mạng.
Trong bối cảnh số hóa ngày càng phát triển, việc đầu tư vào bảo hiểm không gian mạng không chỉ là biện pháp phòng ngừa, mà còn là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn và ổn định trong vận hành doanh nghiệp. Đặc biệt, với yêu cầu tuân thủ ngày càng khắt khe từ các cơ quan quản lý và đối tác quốc tế, bảo hiểm an ninh mạng không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó sự cố, mà còn góp phần nâng cao uy tín và năng lực bảo mật trong mắt khách hàng và nhà đầu tư.