An ninh mạng tại Việt Nam – Ngành Công nghiệp tỷ đô

An ninh mạng Việt Nam - ngành công nghiệp tỷ đô

Sáng 02/12/2022, Hội thảo “AN NINH MẠNG TẠI Việt Nam – NGÀNH CÔNG NGHIỆP TỶ ĐÔ” của Làng Công Nghệ An Toàn Không Gian Mạng (Cyber Security Technology Village) do VSEC là trưởng làng tổ chức nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện TECHFEST 2022 đã chính thức diễn ra. Sự kiện đón nhận hơn 50 khách mời tham gia trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị & Triển lãm Bình Dương.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Khoa học & Công nghệ chia sẻ: “Trong khuôn khổ tổng thể các hội thảo tại TECHFEST năm nay, tôi cho rằng đây là một hội thảo có chất lượng chuyên môn và có ý nghĩa về mặt thực tiễn rất cao. Các diễn giả tham dự đều là những người “thực chiến”, sẽ chia sẻ những góc nhìn từ phía công việc của mình cũng như quốc tế, cơ hội và thách thức trong ngành ATTT hiện nay. Đây cũng chính là mục tiêu lan tỏa tri thức trong cộng đồng của TECHFEST”.

Ông Phạm Hồng Quất phát biểu khai mạc Hội thảo

An ninh mạng tại Việt Nam – Ngành công nghiệp tỷ đô” không chỉ là tên Hội thảo năm nay của Làng Công nghệ an toàn thông tin, mà còn là topic nổi bật nhất được chia sẻ bởi ông Trương Đức Lượng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần an ninh mạng Việt Nam (VSEC) – mở đầu cho buổi tọa đàm. Theo thống kê của Cơ quan quản lý nhà nước về số lượng doanh nghiệp về ATTT từ năm 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. So với năm 2017 chỉ có 23 doanh nghiệp trong lĩnh vực ATTT, số lượng doanh nghiệp tăng gấp ~ 5 lần, đây là một con số ấn tượng cho thấy sự phát triển sau 5 năm của ngành ATTT. Tuy nhiên, các công ty về sản xuất công nghệ còn ít so với kỳ vọng. Sự đổi mới, sáng tạo mà TECHFEST hướng tới sẽ chủ yếu tập trung vào các đơn vị sản xuất nhưng so với các đơn vị chuyên về nhập khẩu hay dịch vụ thì đơn vị sản xuất còn ít.

Ông Trương Đức Lượng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) – Trưởng làng Công nghệ An toàn không gian mạng

 

Quy mô thị trường ATTT của Việt Nam năm 2022 xấp xỉ 137 triệu USD với tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm, khoảng 4 lần so với GDP. Đây là mức tăng trưởng ngành tương đối tốt, hơn rất nhiều so với ngành khác. Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, nhưng so với các quốc gia khác thì số lượng doanh nghiệp ATTT của họ gấp 6-7 lần Việt Nam. Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Đức Lượng cho biết: “Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy mạnh việc chuyển đổi số, nó không chỉ tác động đến các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước mà còn tác động đến toàn bộ người dân. Việt Nam là một thị trường lớn, nhu cầu về ATTT rất cao – đây chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành ATTT, giá trị thị trường sẽ không chỉ dừng lại ở 137 triệu USD mà sẽ phát triển lên hàng tỷ đô”.

 

Chúng ta muốn nhanh – Chúng ta phải tự động
“Việc chuyển đổi số hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống ATTT tại Việt Nam đang thiếu cả số lượng và chất lượng”. Đây là lời khẳng định của ông Vũ Thành Công – PGĐ Công ty cổ phần công nghệ Nessar trong Hội thảo. Để giải quyết vấn đề nhân lực đang thiếu trong ngành an ninh mạng, ông Vũ Thành Công đã chia sẻ nội dung: “Tự động hoá trong quản lý, giám sát & vận hành hệ thống An toàn thông tin”. Nội dung của phần trình bày gồm 3 phần chính: Tự động hoá quản lý chính sách; Tự động hoá đánh giá, kiểm thử; Tự động hoá thu thập, phân tích, giám sát và vận hành hệ thống ATTT.
Cuối cùng ông Vũ Thành Công nhấn mạnh: “Việc tự động hoá là điều quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp startup cần tham gia vào quá trình vận hành hệ thống ATTT trong quá trình chuyển đổi số. Chúng ta muốn nhanh, chúng ta phải tự động, tự động hoá trong rất nhiều khâu, đặc biệt là giám sát vận hành.”

Ông Vũ Thành Công chia sẻ tại Hội thảo

Phát triển thế hệ công dân số tương lai lành mạnh và tài năng
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ở trong thời kỳ 4.0, chuyển đổi số, với rất nhiều sự thay đổi mới mẻ và nhanh chóng. Điều này thúc đẩy con người cần phải phát triển bản thân để có thể bắt kịp với những xu hướng mới và tồn tại được trong thời đại của tốc độ và công nghệ này. Trong số đó, Trẻ em và Thanh thiếu niên chính là lực lượng lao động chính trong tương lai, đồng thời cũng là thế hệ đã, đang và sẽ tiếp tục chứng kiến và trải qua thời kỳ chuyển mình sang kỷ nguyên số của nhân loại. Theo chia sẻ của bà Lưu Thuỳ Anh – Co-Founder CyberKid Vietnam, Thạc sỹ Tâm lý học tích cực chia sẻ: “Các em nhỏ và các bạn trẻ, hơn ai hết, cần được quan tâm và được đồng hành phát triển hơn nữa, nhằm có đủ sự tự tin và vững vàng khi tiến bước vào tương lai. Để làm được điều này, các em và các bạn cần được trang bị, củng cố Năng lực số – bao gồm các kỹ năng, kiến thức và thái độ để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển trong thế giới số hoá”.

Diễn giả Lưu Thuỳ Anh – Co-Founder CyberKid Vietnam

Tại Hội thảo, đại diện CyberKid đã đưa ra các số liệu thông tin về tình hình trên thế giới cũng như Việt Nam để mọi người cùng thấy được thực trạng về quá trình phát triển nhân lực trong thời đại số, từ đó, cùng đi qua tham khảo các mô hình phát triển công dân số trên thế giới để học tập, phát triển thế hệ công dân số tại Việt Nam lành mạnh và tài năng

67% thị trường Việt Nam chưa hiểu hết Supply Chain Attack để tự bảo vệ mình.
Năm 2022, Ransomware và Supply Chain Attack là hai hình thức được ví như là “đại dịch tấn công mạng” vì sức lan toả và ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đến với tất cả doanh nghiệp đang hiện hữu trên không gian Internet. Ở phiên trình bày này, ChongLuaDao và CyberJutsu sẽ chia sẻ thực trạng kèm các case study để cùng nhau có một cái nhìn thực tế hơn nhằm tìm ra các giải pháp, liều vaccine và liệu trình xử lý dành cho cơn đại dịch này.
Diễn giả Nguyễn Mạnh Luật – Founder & CEO Trung tâm đào tạo kiến thức và kỹ năng thực chiến về An toàn thông tin CyberJutsu Academy đã chia sẻ những thông tin giúp mọi người hiểu rõ về ransomware cũng như các quy mô, tổ chức các nhóm tội phạm ransomware. Có 2 loại hình thức Ransomware chính rất tinh vi: Ransomware gang (băng đảng) và Ransomware as a Service (mô hình đa cấp). Mức giá để mua được 1 dịch vụ Ransomware để có thể shutdown một doanh nghiệp là rất nhỏ rất nhỏ (~980.000VNĐ) nhưng lại gây ra giá trị thiệt hại vô cùng lớn.

Diễn giả Nguyễn Mạnh Luật chia sẻ về những số liệu đáng chú ý tại buổi Hội thảo

Ngoài ra, anh Mạnh Luật còn cho biết: “67% thị trường Việt Nam chưa hiểu hết Supply Chain Attack để tự bảo vệ mình.” Supply Chain Attack là chuỗi cung ứng về tấn công, có mức độ lây lan rất nguy hiểm. Tuy vậy, trên thị trường Việt Nam lại rất ít người nhắc về nó. Để hiểu rõ được sự ảnh hưởng của nó, anh Luật đã đưa ra các case study tại Việt Nam giúp người nghe hình dung thực tế hơn. Và cuối cùng, anh đã chỉ ra các “vaccine” cũng như “liệu trình” mà doanh nghiệp nên làm trong ngắn hạn và dài hạn để có thể ngăn chặn, giảm thiểu các thiệt hại do Ransomware và Supply Chain Attack gây ra.

Với 4 bài tham luận về các chủ đề như: ” Ngành công nghiệp tỷ đô – Vietnam Cybersecurity Landscape”; “Tự động hoá trong quản lý, giám sát & vận hành hệ thống An toàn thông tin”; “Phát triển thế hệ công dân số tương lai lành mạnh & tài năng”; “Ransomware + Supply Chain Attack và những điều chúng ta nên biết” được các chuyên gia chia sẻ trong hội thảo đã phần nào hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc về cách xây dựng và vận hành và quản trị hệ thống an toàn thông tin cho doanh nghiệp an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay.
Cùng nhìn lại những hình ảnh nổi bật trong buổi hội thảo vừa qua!

An ninh mạng Việt Nam - ngành công nghiệp tỷ đô
An ninh mạng Việt Nam – ngành công nghiệp tỷ đô