
Phòng thủ chủ động đang trở thành chiến lược thiết yếu khi các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa tiềm ẩn – từ rò rỉ dữ liệu, lỗ hổng bảo mật đến các chiến dịch tấn công có chủ đích. Chủ động phát hiện và ngăn chặn nguy cơ trước khi trở thành mục tiêu không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo tính liên tục trong vận hành.
Mối đe dọa ngày càng tinh vi và không còn giới hạn
Trong giai đoạn 2025, các doanh nghiệp Việt đang vận hành trong một bối cảnh an ninh mạng đầy biến động, nơi các mối đe dọa không ngừng tiến hóa về mức độ tinh vi, phạm vi ảnh hưởng và tốc độ lây nhiễm.
Các phương pháp tấn công truyền thống vốn dựa trên kỹ thuật khai thác đơn giản hoặc lỗi người dùng đã dần bị thay thế bởi những chiến dịch tấn công có chủ đích (APT), mã độc tống tiền kép hay tấn công chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển dịch mô hình bảo vệ từ phòng thủ bị động sang chủ động, từ phản ứng sang phát hiện sớm và ngăn ngừa rủi ro ngay từ giai đoạn khởi phát.
APT (Advanced Persistent Threat) tiếp tục là hình thức tấn công chủ đạo. Không giống như các cuộc tấn công mạng thông thường diễn ra trong thời gian ngắn, APT là những chiến dịch dài hạn, được thực hiện bởi các nhóm tin tặc chuyên nghiệp, có tổ chức và nguồn lực lớn.
Điều đáng lo ngại là các nhóm hacker không chỉ sử dụng các kỹ thuật truyền thống mà ngày càng tinh vi hơn với mã độc tùy chỉnh, khai thác lỗ hổng zero-day và tấn công chuỗi cung ứng để xâm nhập vào hệ thống một cách âm thầm.
Cùng lúc đó, ransomware vẫn tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng. Theo Báo cáo An ninh mạng 2024 của VSEC, tỷ lệ tổ chức bị tấn công bởi ransomware đã giảm từ 66% xuống 59% nhưng con số này vẫn đáng báo động khi vẫn vượt quá một nửa tổng số.
Năm 2024 cũng đánh dấu sự gia tăng của Ransomware-as-a-Service (RaaS) – mô hình cho phép bất kỳ ai cũng có thể “thuê” ransomware để thực hiện các cuộc tấn công mà không cần kỹ năng kỹ thuật – điều này khiến cho số lượng tội phạm mạng tăng mạnh hơn bao giờ hết.
Một xu hướng đáng quan ngại khác là tấn công chuỗi cung ứng, khi tin tặc không còn nhắm trực tiếp vào mục tiêu chính mà tìm cách xâm nhập thông qua các nhà cung cấp phần mềm, đối tác liên kết hoặc bên thứ ba có quyền truy cập vào hệ thống. Điều này khiến ngay cả những doanh nghiệp có hệ thống bảo mật mạnh mẽ cũng trở thành nạn nhân mà không hề hay biết.
Hình thức tấn công chuỗi cung ứng đặc biệt nguy hiểm vì nó không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp mà có thể gây ra hiệu ứng domino, làm tổn hại đến nhiều tổ chức trong cùng một hệ sinh thái.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI đang mở ra một mặt trận tấn công mới – nơi deepfake, mô hình ngôn ngữ và các công cụ tự động hóa được sử dụng để tạo ra các hình thức giả mạo ngày càng thuyết phục. Theo thống kê từ Báo cáo Identity Fraud 2025, trung bình cứ 5 phút lại có một cuộc tấn công deepfake xảy ra, và con số này đang không ngừng gia tăng.
Với sự hỗ trợ của AI, tin tặc có thể tự động tạo ra hàng triệu email, tin nhắn hoặc cuộc gọi lừa đảo chỉ trong vài giờ, thay vì phải thực hiện thủ công như trước đây. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2026, có thể tới 90% nội dung trực tuyến sẽ được tạo ra bằng AI.
Chiến lược phòng thủ chủ động cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, thay vì chờ đợi và phản ứng khi sự cố xảy ra, các chuyên gia VSEC khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp chuyển sang các giải pháp chủ động để phát hiện và giảm thiểu rủi ro từ sớm. Những phương pháp này không chỉ giúp kiểm soát liên tục các mối đe dọa mà còn nâng cao khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tinh vi.
Để hiện thực hóa một hệ thống phòng thủ linh hoạt, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm đến các mô hình dịch vụ bảo mật chuyên sâu như dịch vụ MDR (Managed Detection and Response). Với cơ chế giám sát 24/7 và đội ngũ chuyên gia phản ứng sự cố từ xa, MDR không chỉ giúp phát hiện hành vi bất thường trong thời gian ngắn mà còn cung cấp khả năng phản hồi kịp thời, giảm thiểu tối đa thời gian phản hồi và thiệt hại do các cuộc tấn công.
PTaaS (Pentest as a Service) – mô hình kiểm thử thâm nhập dưới dạng dịch vụ – cho phép tổ chức thực hiện các bài kiểm tra bảo mật một cách linh hoạt, thường xuyên và có chiều sâu hơn so với phương pháp kiểm thử truyền thống.
Nhờ khả năng tích hợp tự động và liên tục vào quy trình phát triển và vận hành, PTaaS giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện các lỗ hổng mới phát sinh, giảm thiểu nguy cơ tấn công và rò rỉ dữ liệu.
Song hành với đó, nhu cầu đánh giá hệ thống một cách tổng quan – kể cả khi chưa có dấu hiệu bị tấn công – đang ngày càng rõ rệt. Giải pháp Compromise Assessment – một quy trình đánh giá toàn diện nhằm xác định xem hệ thống có đang bị xâm nhập hoặc từng bị xâm nhập hay chưa.
Thông qua việc phân tích nhật ký, lưu lượng mạng và hành vi hệ thống, phương pháp này giúp phát hiện dấu vết của các cuộc tấn công tinh vi vốn có thể đã “nằm vùng” trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Việc ứng dụng các giải pháp bảo mật chủ động, tự động hóa không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian phát hiện và phản hồi sự cố, mà còn nâng cao năng lực phòng thủ theo hướng chủ động. Trong thời đại mà mỗi giây chậm trễ đều có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng, khả năng phát hiện và phản ứng kịp thời chính là chìa khóa để doanh nghiệp duy trì sự bền vững và an toàn trên hành trình chuyển đổi số.