
Trong bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và dữ liệu số để vận hành phát triển. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này cũng đi kèm với nguy cơ bị tấn công mạng, một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh thông tin của tổ chức. Dưới đây là những xu hướng tấn công mạng nổi bật năm 2025.
Tấn công giả mạo, lừa đảo trực tuyến qua email và phát tán mã độc
Phishing là hình thức tấn công mà kẻ xấu giả mạo các tổ chức uy tín như ngân hàng, công ty thẻ tín dụng hoặc dịch vụ trực tuyến để lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Thông qua email giả mạo, chúng gửi các liên kết dẫn đến trang web lừa đảo hoặc tệp đính kèm chứa mã độc. Khi người dùng nhấp vào, mã độc sẽ được cài đặt, cho phép kẻ tấn công chiếm quyền kiểm soát hệ thống hoặc thu thập thông tin nhạy cảm. Đặc biệt, các cuộc tấn công này ngày càng tinh vi, có thể vượt qua cả các biện pháp bảo mật truyền thống.
Tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware
Ransomware là phần mềm độc hại sử dụng mã hóa để giữ thông tin của nạn nhân nhằm nhiều mục đích, trong đấy phổ biến nhất là đòi tiền chuộc. Dữ liệu quan trọng của người dùng hoặc tổ chức được mã hóa để họ không thể truy cập tệp, cơ sở dữ liệu hoặc ứng dụng và cần điều kiện để được yêu cầu để cung cấp quyền truy cập này.
Ransomware thường được thiết kế để lây lan trên mạng và nhắm mục tiêu vào cơ sở dữ liệu và máy chủ tệp, do đó có thể nhanh chóng làm tê liệt toàn bộ tổ chức. Các mối đe dọa liên quan đến ransomware ngày càng tăng, gây thiệt hại lên đến hàng tỷ đô la thanh toán cho tội phạm mạng đến từ các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ trên toàn thế giới.
Tấn công có chủ đích (APT)
Tấn công có chủ đích, hay còn gọi là APT (Advanced Persistent Threat), là hình thức tấn công tinh vi và kéo dài, trong đó kẻ tấn công xâm nhập vào hệ thống và duy trì sự hiện diện trong thời gian dài mà không bị phát hiện.
Mục tiêu của APT thường là thu thập thông tin quan trọng, gián điệp công nghiệp hoặc phá hoại hệ thống. Kẻ tấn công thường sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm khai thác lỗ hổng phần mềm, tấn công phishing và phần mềm độc hại để xâm nhập và duy trì quyền truy cập. Việc phát hiện và ngăn chặn APT đòi hỏi các biện pháp bảo mật nâng cao, giám sát liên tục và phân tích hành vi bất thường trong hệ thống.
Tấn công bằng phần mềm đánh cắp thông tin (stealer)
Phần mềm đánh cắp thông tin, hay còn gọi là stealer, là loại phần mềm độc hại được thiết kế để thu thập và đánh cắp thông tin nhạy cảm từ thiết bị của nạn nhân. Thông tin bị đánh cắp có thể bao gồm thông tin đăng nhập, cookies, thông tin thẻ tín dụng và các dữ liệu cá nhân khác mà người dùng lưu trữ trên trình duyệt hoặc hệ thống. Kẻ tấn công thường phát tán stealer thông qua các tệp đính kèm email độc hại, liên kết giả mạo hoặc phần mềm không rõ nguồn gốc.