
Microsoft chính thức ra mắt Majorana 1 – con chip được cho là ít lỗi hơn đối thủ sau gần 2 thập kỉ nghiên cứu. Công ty cũng công bố nghiên cứu khoa học sắp được đăng trên tạp chí Nature, củng cố niềm tin rằng điện toán lượng tử không còn là viễn cảnh xa vời.
Chip Majorana 1 sử dụng tám qubit topo, được chế tạo từ indium arsenide (một chất bán dẫn) và nhôm (một siêu dẫn). Quá trình chế tạo yêu cầu sắp xếp vật liệu với độ chính xác từng nguyên tử, điều mà Microsoft cho biết chỉ có máy tính lượng tử trong tương lai mới có thể mô phỏng và tối ưu hóa tốt hơn.
Mặc dù Google, IBM, IonQ và Rigetti cũng đã phát triển các bộ xử lý lượng tử, Microsoft đang hướng đến mục tiêu xa hơn: chip với một triệu qubit. Không giống như chip AI Maia 100 được triển khai trên đám mây Azure, Majorana 1 sẽ không được cung cấp thương mại ngay. Thay vào đó, Microsoft đang tập trung nghiên cứu trước khi đạt đến vài trăm qubit – ngưỡng mà công ty cho là cần thiết để đảm bảo độ tin cậy thương mại.
Công nghệ này hứa hẹn thực hiện những phép tính mà siêu máy tính hiện nay phải mất hàng triệu năm mới xử lý được. Nếu thành công, điện toán lượng tử có thể làm thay đổi hoàn toàn nhiều lĩnh vực, trong đó có cả an ninh mạng.
Trước đó, nhóm cổ phiếu điện toán lượng tử đã lao dốc khi CEO Nvidia, Jensen Huang, tuyên bố công nghệ này cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể vượt qua chip AI của công ty ông. Tuy nhiên, với bước tiến mới từ Microsoft, nhiều tập đoàn lớn như Alphabet (GOOGL.O) và IBM (IBM.N) đang ngày càng tin rằng điện toán lượng tử sẽ sớm có ứng dụng thực tế.