Quản lý Xã hội số và Nghị định 53 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh mạng

VSEC - BLOG Xu hướng thế giới mạng

Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10 tới đây. Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ kết nối trong thế giới không biên giới đây là những quy định cần thiết mà các chuyên gia VSEC sẽ đưa ra những chia sẻ sau đây dưới góc nhìn của đơn vị cung cấp dịch vụ an ninh mạng.

Phỏng vấn Ông Trương Đức Lượng – Chairman VSEC

Câu hỏi: Gần đây chúng tôi đã nhận được liên hệ của một số tờ báo nước ngoài cũng như cộng đồng, rất quan tâm đến Điều 26 liên quan tới quy định cho các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Ở góc nhìn chuyên gia về an ninh mạng, Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về nội dung này?

Ông Trương Đức Lượng: Trong khuôn khổ luật, mình cho rằng việc có những quy định như thế này là cần thiết. Với sự phát triển của công nghệ mà đặc biệt là hạ tầng công nghệ đã khiến việc kết nối trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các ứng dụng công nghệ cũng đã tạo ra một xã hội song song với xã hội thực mà trong đó chúng ta sống hàng ngày. Nôm na có thể gọi đó là xã hội số. Xã hội số mang rất nhiều đặc tính chung của xã hội thực và cũng có nhiều nét riêng. Nét riêng cơ bản nhất là tính không biên giới, tính định danh. Xã hội số bên cạnh tính tích cực thì cũng kèm theo nhiều tiêu cực như xã hội thực và việc phát triển xã hội số cũng cần đi kèm theo là các biện pháp quản lý để giúp người dân số bớt bị tác động tiêu cực như hăm dọa, lừa đảo, thông tin giả,…

VSEC – Đơn vị cung cấp dịch vụ MSSP đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận quốc tế CREST cho hai dịch vụ Pentest và SOC 

Hầu hết các ứng dụng công nghệ, từ mạng Internet đến các ứng dụng mạng xã hội,… đều là bắt nguồn từ Phương Tây mang theo những triết lý, văn hóa phương Tây. Xã hội số vì thế có thể nói được xây dựng hầu hết từ phương Tây. Và trong quá trình phát triển, sự xung đột giữa xã hội thực và xã hội số cũng là điều dễ hiểu khi mà tính chất không biên giới có sự khác biệt với tính chất biên giới của xã hội thực. Trong nhiều sự khác biệt, chúng ta có thể dễ thấy như quan điểm về tự do, quan điểm về kinh doanh, quan điểm về thuế,…

Ông Trương Đức Lượng – Chairman VSEC. 

Dẫn dắt vậy để đi đến nội dung điều 26 của Nghị định, trong đó đưa ra các điều khoản định nghĩa về loại hình doanh nghiệp/kinh doanh sẽ bị điều chỉnh bởi luật. Đó là các doanh nghiệp thuộc mảng: truyền thông (mạng xã hội), tài chính (cổng thanh toán), thương mại (chợ, sàn điện tử). Quản lý xã hội thực và xã hội số thì theo mình xã hội thực vẫn cần được ưu tiên, sự cố trên xã hội số có thể tạo ra nhiều thiệt hại trong xã hội thực. Điều này đã được chứng minh qua nhiều ví dụ qua phương tiện truyền thông. Do đặc tính không biên giới nên việc tạo ra một xã hội số có thể bắt nguồn từ bất kỳ đâu trên thế giới. Vì thế việc quản lý xã hội số sẽ khó đạt được hiệu quả nếu không có cách thức liên kết thực giữa nhà quản lý và đơn vị tạo ra xã hội số.

Hiện tại, điều 26 đang đưa ra các cách thức gồm có: Lưu trữ dữ liệu định danh tại Việt Nam và Lập văn phòng/chi nhánh tại Việt Nam. Tương lai có thể có những biện pháp khác còn hiện tại thì mình thấy hai công cụ này đủ để bắt đầu. Theo mình có các lý do sau. Thứ nhất là, các giao dịch điện tử và do đặc tính của công nghệ tính định danh thường là yếu, nên việc yêu cầu chi tiết các thông tin cần lưu trữ sẽ giúp cho tính chất khả thi trong thực thi quản lý khi xảy ra sự cố. Thứ hai là luật ra đời từ 2018 và đến này sau 4 năm thì các doanh nghiệp tại Việt nam cũng có sự trưởng thành nhất định để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về lưu trữ hiện đại. Thứ 3 là trong quản lý thì tính chính danh quan trọng, và khi có những người có thẩm quyền đủ để làm việc và hiện diện tại Việt Nam thì cũng hiệu quả hơn nhiều trong công việc phối hợp, thông tin quản lý hoặc xử lý các sự cố. Vì thế nên việc có văn phòng hoặc chi nhánh của các công ty “xã hội ảo” tại Việt nam cũng có tác dụng lớn đối với các nhà quản lý.

Luật đưa ra thường sẽ mất thời gian đi vào thực tế và chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp, mình hi vọng luật sẽ là công cụ tốt để xã hội ảo trở nên lành mạnh và tích cực hơn, đem lại giá trị tốt đẹp cho xã hội thực

Xin cảm ơn Ông Trương Đức Lượng,

 

Tìm hiểu thêm về Nghị định 53/2022/NĐ-CP tại đây

Nguồn: VSEC

Contact